Kỳ đà vân là con gì? Sống ở đâu, tập tính, bảo tồn, cách nuôi

Kỳ đà vân có tên khoa học là Varanus bengalensis, loài kỳ đà cỡ lớn sống trên cạn, phân bố chủ yếu ở vùng Nam Á và Đông Nam Á. Đây là loài động vật nằm trong Sách Đỏ Việt Nam nhóm IIB – mức độ cực kỳ nguy cấp và cần phải được bảo vệ để tránh nguy cơ tuyệt chủng.

Kỳ đà vân là con gì?

Có thể nói hình dáng của loài kỳ đà này giống như một con thạch sùng hay kỳ nhông cỡ lớn. Kỳ đà vân có cái cổ và đuôi dài, bộ chân khỏe, tứ chi phát triển. Chiếc đầu hình tam giác và nhọn dần về phía mõm, thân hình trông khá nặng nề.

Một cá thể kỳ đà vân trưởng thành thường phủ một lớp vảy màu xám hoặc xám xanh và bên dưới có lỗ để tiết dịch. Trên thân của chúng có các vân màu đậm chạy ngang cơ thể. Các vân này phân bố trên khắp cơ thể, từ đầu cho đến hết phần đuôi tạo nên vẻ ngoài lốm đốm.

Bụng có màu trắng và sẽ đậm dần theo độ tuổi hoặc khu vực sinh sống của kỳ đà vân.

Hai lỗ mũi nằm giữa miệng và mắt, đặt nằm ngang và có thể đóng lại để tránh bị nước hoặc các mảnh vụn rơi vào.

Lưỡi của chúng có cấu tạo giống như lưỡi của rắn với phần đầu được chẻ làm đôi. Chức năng chính của lưỡi con kỳ đà vân là đánh hơi con mồi và không đóng góp nhiều trong việc vận chuyển thức ăn xuống cổ họng.

kỳ đà vân

Một con kỳ đà vân trưởng thành thường có khoảng 101 chiếc răng và chúng có thể mọc thay thế nếu có bất kỳ răng nào bị hỏng.

Mặc dù có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra dịch tiết dưới răng của kỳ đà vân có nọc độc nhưng hiện nay vẫn chưa có báo cáo nào về tác hại của độc tính này đối với cơ thể con người.

Đây là một loài kỳ đà cỡ lớn, chúng có thể dài tới 175cm, con đực lớn hơn con cái. Cá thể lớn nhất được ghi nhận là có trọng lượng khoảng 7.2kg.

Tập tính sinh sống của kỳ đà vân

Loài sinh vật này thường sống đơn độc trên mặt đất, tuy nhiên có một số trường hợp kỳ đà vân được nhìn thấy trên cây. Phần lớn thời gian ban ngày của chúng dùng để di chuyển và tìm kiếm con mồi.

Kỳ đà vân có tứ chi phát triển nên di chuyển rất nhanh trên mặt đất. Để tránh kẻ thù, các con non thường trèo lên cây, cá thể trưởng thành thì ẩn nấp trong các bụi rậm. Ngoài ra, chúng cũng có khả năng bơi dưới nước và lặn lâu tới 17 phút.

Các sinh vật nhỏ như bọ cánh cứng, bọ cạp, ốc sên, kiến và các loài động vật không xương sống khác là thức ăn yêu thích của kỳ đà vân. Ngoài ra, trong một số trường hợp chúng có thể ăn xác chết của động động vật.

Kỳ đà vân thường sinh sản vào tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Tuy nhiên, những con đực sẽ phải chiến đấu để tìm kiếm bạn tình từ tháng 4.

Con cái thường tiết ra chất dịch có mùi đặc trưng để cá thể kỳ đà vân đực có thể tìm kiếm và phát hiện bạn tình.

Cá thể cái sẽ đào một cái hố hoặc tận dụng những tổ mối cũ để đẻ trứng, sau đó phủ đất đầy lại. Ngoài ra, chúng còn tạo những tổ trứng giả quanh đó để đánh lạc hướng kẻ thù.

Mỗi lần sinh sản, cá thể cái sẽ đẻ khoảng 20 trứng. Sau khoảng 168 đến 254 ngày thì trứng sẽ nở thành con non. Tỷ lệ trứng kỳ đà vân nở thành con non thường dao động từ 40% đến 80%.

Tuy nhiên, một nửa trong số đó không thể tồn tại và phát triển được do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là bị tấn công bởi các loài thú ăn thịt.

Con kỳ đà vân non sẽ phát triển mạnh hơn sau khi chúng lột xác. Tuổi thọ trung bình của loài động vật này là khoảng 22 năm.

Kỳ đà vân sống ở đâu?

Loài động vật này sinh sống chủ yếu ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Các nước có nhiều các thể loài này là Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam,…

Ở Việt Nam, kỳ đà vân được tìm thấy ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đắc Lắc, đảo Phú Quốc, Côn Đảo,…

Chúng là sinh vật sống chủ yếu trên mặt đất, tuy nhiên có một số cá thể trẻ lại sống ở trên cây.

Không giống như các loài thuộc họ thằn lằn khác, kỳ đà vân có khả năng thích ứng với nhiều môi trường sống khác nhau. Chúng có thể sinh sống ở các vùng sa mạc, khu rừng nhiệt đới và thậm chí là ở những vùng có mùa đông.

Kỳ đà vân thường xuất hiện ở thảo nguyên, đồng cỏ, rừng nhiệt đới và khu vực lân cận. Nơi mà có độ cao dưới 1500m so với mực nước biển.

Môi trường sống lý tưởng của loài động vật này là những khu vực có khí hậu ấm áp, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 24 độ C.

Thực trạng bảo tồn loài kỳ đà vân

Hiện nay, kỳ đà vân đã được liệt kê trong danh sách bị đe dọa của IUCN và thuộc nhóm IIB trong Sách Đỏ Việt Nam. Đây là danh mục các loài động vật bị nguy cấp, cấm săn bắt, buôn bán trái phép.

Mặc dù kỳ đà vân trưởng thành này có rất ít kẻ thù trong tự nhiên, nhưng con người mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng số lượng của loài này giảm nhanh chóng.

Sở dĩ loài động vật này bị săn bắt và buôn bán vì kỳ đà vân có giá rất cao trên thị trường. Thịt của loài động vật này được sử dụng để làm thức ăn trong các nhà hàng, da để làm các sản phẩm phục vụ con người và dùng làm thuốc trong y học.

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa, thay đổi thời tiết và tình trạng chặt phá rừng cũng làm cho môi trường sống của kỳ đà vân và các loài động vật hoang dã đang ngày càng bị thu hẹp.

Để bảo vệ kỳ đà vân thì việc đưa chúng vào các danh sách các loài động vật bị đe dọa vần được bảo vệ là chưa đủ. Cần phải bổ sung hoàn thiện các chính sách về chống buôn bán động vật hoang dã. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng săn bắt, vận chuyển và buôn bán trái phép các loài động vật này.

Xây dựng các khu bảo tồn, nơi cấm săn bắt cũng là việc làm rất cần thiết để bảo vệ kỳ đà vân nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung.

Ngoài ra, cần phải thay đổi nhận thức của người dân về việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Đặc biệt là những tin đồn về dùng các bộ phận của kỳ đà vân để chữa bệnh.

Với các nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện nay loài vật này đã được nuôi thành công ở một số tỉnh ở Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết ở phần sau.

Kinh nghiệm nuôi kỳ đà vân đem lại hiệu quả kinh tế cao

Nằm trong nhóm động vật nguy cấp, cần được bảo vệ nên bất kỳ hành vi nuôi nhốt, vận chuyển và buôn bán trái phép đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, để có thể thực hiện nuôi loài kỳ đà vân thì việc cần làm đầu tiên là người nuôi phải đăng ký với Chi cục Kiểm lâm sở tại. Đồng thời, người dân phải chứng thực được nguồn gốc vật nuôi hợp pháp.

Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã nuôi thành công loài vật này như Trà Vinh, Bến Tre, Thái Bình,… Kỳ đà vân là một loài động vật biến nhiệt và thích hợp hơn với thời tiết ở miền Nam. Do đó, việc nuôi loài động vật này phổ biến hơn ở khu vực phía nam.

Để nuôi kỳ đà vân hiệu quả thì chuồng của chúng nên được ngăn thành nhiều ô cho từng con. Một ngăn sẽ đổ cát để làm nơi cho cùng ngủ và đẻ, một ngăn sẽ để cho chúng phơi nắng và uống nước.

Đối với những hộ nuôi ở miền Bắc thì việc xây dựng chuồng trại cho kỳ đà vân sẽ phải cẩn trọng hơn miền Nam để chúng có thể tránh rét và phát triển tốt.

Thức ăn của loài động vật này rất đa dạng như nhái, cóc, trứng chim cút hay nội tạng động vật.

Nuôi kỳ đà vân giúp cải thiện kinh tế và hạn chế được tình trạng săn bắt chúng trong tự nhiên. Đó cũng là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ loài động vật này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Trên đây là những thông tin về đặc điểm, tập tính, thực trạng bảo tồn và kinh nghiệm nuôi kỳ đà vân hiệu quả. Hy vọng qua bài viết này bạn đọc sẽ nâng cao ý thức trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *